Chương trình đào tạo ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu

1. Một số thông tin về chương trình đào tạo

– Tên chương trình đào tạo:

  • Tên tiếng Việt: Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu
  • Tên tiếng Anh: Computer Networks and Data Communications

– Tên ngành đào tạo:

  • Tên tiếng Việt: Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu
  • Tên tiếng Anh: Computer Networks and Data Communications

– Mã số ngành đào tạo: 9480102

– Ngôn ngữ đào tạo: Tiếng Việt

– Trình độ đào tạo: Tiến sĩ

– Thời gian đào tạo: 03 năm (36 tháng) đối với NCS có trình độ thạc sĩ; 04 năm (48 tháng) đối với NCS có trình độ đại học

– Tên văn bằng sau tốt nghiệp:

  • Tên tiếng Việt: Tiến sĩ ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu
  • Tên tiếng Anh: Doctor of Philosophy in Computer Networks and Data Communications

2. Mục tiêu của chương trình đào tạo (mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể)

2.1. Mục tiêu chung:

Mục tiêu chung của Chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu là đào tạo các chuyên gia, nhà khoa học được trang bị các kiến thức và kỹ năng nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, có năng lực sáng tạo để tìm hiểu và đề xuất các giải pháp khoa học và công nghệ cho các vấn đề mới có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, có khả năng nghiên cứu độc lập, biết xây dựng các dự án nghiên cứu, tham gia hoặc lãnh đạo các nhóm nghiên cứu.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

  • Về kiến thức: Nghiên cứu sinh tốt nghiệp được trang bị
  • Các kiến thức nâng cao về công nghệ thông tin (CNTT), đặc biệt là các kiến thức nâng cao về Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu như an ninh mạng, các mạng không dây và di động, các vấn đề hiện đại về truyền dữ liệu và mạng máy tính;
  • Các kiến thức chuyên sâu về mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, đặc biệt là các kiến thức về kiến trúc và hạ tầng mạng, các giao thức và ứng dụng mạng, các phương thức truyền dữ liệu trong các môi trường mạng, các kiến thức về đảm bảo an ninh và quản trị mạng, mạng Internet vạn vật.
  • Về năng lực: Nghiên cứu sinh tốt nghiệp có năng lực
  • Tự học để nắm bắt các công nghệ, công cụ, kỹ năng mới trong lĩnh vực Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu;
  • Nghiên cứu chuyên sâu vào các vấn đề lý thuyết và công nghệ mới trong lĩnh vực Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu;
  • Tổng hợp và phân tích các giải pháp, công nghệ hiện có, phát hiện các vấn đề về lý thuyết và công nghệ;
  • Tư duy logic tốt, có năng lực sáng tạo để tìm hiểu và đề xuất các giải pháp công nghệ cho các vấn đề về mạng máy tính và truyền dữ liệu (kiến trúc mạng, giao thức mạng, an ninh mạng).

3. Thông tin tuyển sinh

3.1. Hình thức tuyển sinh: xét tuyển theo quy định hằng năm của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN). Thông tin tuyển sinh theo Quy chế, hướng dẫn tuyển sinh sau đại học hàng năm của ĐHQGHN và đề án tuyển sinh của Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) được ĐHQGHN phê duyệt (nếu có).

3.2. Đối tượng dự tuyển:

3.2.1. Yêu cầu về văn bằng và ngành học

Đối tượng dự tuyển phải tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học chính quy hạng Giỏi trở lên ngành/chuyên ngành phù hợp với ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, hoặc tốt nghiệp trình độ tương đương bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ở một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù phù hợp với ngành/chuyên ngành đào tạo tiến sĩ.

3.2.2. Yêu cầu về kinh nghiệm và năng lực nghiên cứu

  • Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của CTĐT định hướng nghiên cứu và các công trình công bố theo quy định đơn vị đào tạo (nếu có). Riêng các thí sinh có bằng thạc sĩ định hướng ứng dụng hoặc có bằng thạc sĩ ngành/chuyên ngành phù hợp nhưng phải học bổ sung kiến thức hoặc dự tuyển từ cử nhân thì phải là tác giả hoặc đồng tác giả tối thiểu 01 bài báo thuộc tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc 01 báo cáo khoa học đăng tại kỷ yếu của các hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia hoặc quốc tế có phản biện, có mã số xuất bản ISBN liên quan đến lĩnh vực hoặc đề tài nghiên cứu, được hội đồng chức danh giáo sư của ngành/liên ngành công nhận.
  • Có đề cương nghiên cứu phù hợp.
  • Có thư giới thiệu của ít nhất 01 nhà khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ đã tham gia hoạt động chuyên môn với người dự tuyển và am hiểu lĩnh vực chuyên môn mà người dự tuyển dự định nghiên cứu.

3.2.3. Yêu cầu về năng lực ngoại ngữ

Có văn bằng chứng chỉ phù hợp với chuẩn đầu vào về ngoại ngữ của chương trình đào tạo theo quy định của ĐHQGHN.

3.2.4. Yêu cầu khác

Các yêu cầu về hồ sơ, tài chính, … được thực hiện theo quy định chung của ĐHQGHN và quy định cụ thể của Trường ĐHCN tại thời điểm tuyển sinh.

3.3. Danh mục ngành/chuyên ngành phù hợp và môn học bổ sung kiến thức tương ứng

3.3.1. Đối với ứng viên có bằng thạc sĩ

– Ngành/chuyên ngành phù hợp không phải bổ sung kiến thức

a. Lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin (mã số: 848)

  • Nhóm ngành Máy tính (84801): Khoa học máy tính (8480101); Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (8480102); Kỹ thuật phần mềm (8480103); Hệ thống thông tin (8480104); Kỹ thuật máy tính (8480106); Trí tuệ nhân tạo (8480107).
  • Nhóm ngành Công nghệ thông tin (84802): Công nghệ thông tin (8480201); An toàn thông tin (8480202); Quản lý công nghệ thông tin (8480204); Quản lý hệ thống thông tin (8480205).

b. Lĩnh vực Toán và thống kê (mã số: 846)

Nhóm ngành toán học (84601): Khoa học tính toán (8460107); Khoa học dữ liệu (8460108); Cơ sở toán học cho tin học (8460110); Toán tin (8460117); Toán ứng dụng (8460112).

c. Lĩnh vực Kỹ thuật (mã số: 852)

Nhóm ngành Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông (85202): Kỹ thuật điện tử (8520203); Kỹ thuật viễn thông (8520208); Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (8520216); Kỹ thuật mật mã (8520209); Kỹ thuật y sinh (8520212).

– Ngành/chuyên ngành phù hợp phải bổ sung kiến thức

Nhóm ngành cơ khí và cơ Kỹ thuật (85201): Kỹ thuật cơ điện tử (8520114); Kỹ thuật hàng không (8520120); Kỹ thuật không gian (8520121).

– Danh mục các học phần bổ sung kiến thức

Các đối tượng thuộc nhóm phải bổ sung kiến thức chọn 03 học phần dưới đây (9 tín chỉ). Việc học bổ sung kiến thức cần hoàn thành trước khi ra quyết định công nhận nghiên cứu sinh.

STT Mã học phần Tên học phần Số tín chỉ
  1               INT 6013 Truyền dữ liệu

Data Transmission

3
  2               INT 6024 Cơ sở hạ tầng điện toán đám mây

Infrastructure for Cloud Computing

3
  3               INT 6190 Các mạng không dây và di động

Wireless and Mobile Networks

3

Các trường hợp thí sinh có bằng thạc sĩ không thuộc các ngành và nhóm ngành kể trên (bằng do đơn vị đào tạo nước ngoài cấp, ngành thạc sĩ thí điểm, ngành/chuyên ngành mới) nhưng có nội dung chương trình học thạc sĩ có liên quan đến ngành Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu sẽ do Hội đồng tuyển sinh xem xét và quyết định.

3.3.2. Đối với ứng viên chưa có bằng thạc sĩ

Chỉ xét ứng viên có bằng đại học chính quy hạng Giỏi trở lên thuộc các ngành sau: Hệ thống thông tin (7480104), Khoa học máy tính (7480101), Mạng máy tính và truyền thông dữ liệu (7480102), Kỹ thuật phần mềm (7480103), Trí tuệ nhân tạo (7480207), Công nghệ thông tin (7480201), An toàn thông tin (7480202).

3.4. Dự kiến quy mô tuyển sinh: Theo quyết định phân bổ hằng năm