Chương trình đào tạo ngành Hệ thống thông tin
A. Chuẩn đầu ra
1. Yêu cầu đối với luận án
- Luận án là kết quả nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh chứa đựng những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn ở lĩnh vực chuyên môn, có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học và giải quyết trọn vẹn vấn đề đặt ra của đề tài luận án.
- Luận án được trình bày tối đa 200 trang A4, không kể phụ lục, trong đó có ít nhất 50% số trang trình bày kết quả nghiên cứu và luận giải riêng của nghiên cứu sinh theo cấu trúc: phần mở đầu, tổng quan về vấn đề nghiên cứu, cơ sở, giả thuyết, nội dung, kết quả nghiên cứu, kết luận và khuyến nghị, danh mục các công trình công bố của tác giả, danh mục tài liệu tham khảo, phụ lục (nếu có). Bản tóm tắt luận án phản ánh trung thực kết cấu, bố cục và nội dung của luận án, phải ghi toàn văn kết luận của luận án. Bản thông tin luận án khoảng từ 3 đến 5 trang (300 đến 500 chữ) bằng tiếng Việt và tiếng Anh trình bày những nội dung mới và những kết quả, đóng góp quan trọng nhất của tác giả luận án.
- Tuân thủ các quy định về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ: Kết quả nghiên cứu trong luận án phải là kết quả lao động của chính nghiên cứu sinh thu được chủ yếu trong thời gian đào tạo. Nếu sử dụng kết quả, tài liệu của người khác thì phải được tác giả đồng ý và trích dẫn tường minh. Nếu luận án là công trình khoa học hoặc một phần công trình khoa học của một tập thể trong đó nghiên cứu sinh đóng góp phần chính thì phải xuất trình các văn bản thể hiện sự nhất trí của các thành viên trong tập thể đó đồng ý cho nghiên cứu sinh sử dụng kết quả chung của tập thể để viết luận án.
2. Yêu cầu về năng lực nghiên cứu
Nghiên cứu sinh công bố kết quả nghiên cứu của luận án trên tạp chí khoa học chuyên ngành với vai trò tác giả chính (tác giả tên đầu/tác giả liên hệ) có tổng điểm đạt từ 2,0 trở lên tính theo điểm tối đa do Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định cho mỗi loại công trình (là tác giả chính, không chia điểm khi có đồng tác giả).
Các công bố quốc tế phải được viết bằng tiếng nước ngoài, các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong nước phải thuộc danh mục được Hội đồng Giáo sư nhà nước quy định khung điểm đánh giá tối thiểu 0,75 điểm và phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
- Có tối thiểu 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus.
- Có 01 bằng phát minh sáng chế/giải pháp hữu ích đã được cấp và tối thiểu 01 bài báo/báo cáo quốc tế thuộc một trong các ấn phẩm sau: (i) chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành; hoặc (ii) sách chuyên khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành; hoặc (iii) báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, có mã số ISBN; hoặc (iv) bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín của nước ngoài có phản biện, có mã số ISSN.
- Có tối thiểu 02 bài báo/báo cáo quốc tế thuộc một trong các ấn phẩm sau: (i) chương sách tham khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín phát hành; hoặc (ii) sách chuyên khảo do các nhà xuất bản quốc tế có uy tín quốc tế phát hành; hoặc (iii) báo cáo trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện, có mã số ISBN; hoặc (iv) bài báo đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín của nước ngoài có phản biện, có mã số ISSN.
3. Chuẩn đầu ra về kiến thức
PLO 1: Phân tích một cách có hệ thống về các hiện tượng quan trọng, về tác động của các công nghệ số mới nổi đối với HTTT, đặc biệt đối với Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh; Tích hợp hệ thống và quản lý dữ liệu lớn; Đảm bảo an ninh, an toàn HTTT.
PLO 2: Đánh giá một cách có hệ thống và phát triển một nghiên cứu tổng quan (bao hàm cả xác định được những điểm hạn chế) về một hướng nghiên cứu quan trọng được lựa chọn trong HTTT. Xác định được những thách thức khoa học cần giải quyết để hình thành bài toán nghiên cứu HTTT trong luận án.
PLO 3: Lựa chọn được phương pháp luận nghiên cứu khoa học để triển khai một cách toàn diện, mô hình hoá, đề xuất phương pháp giải quyết bài toán nghiên cứu được lựa chọn trong HTTT.
PLO 4: Chứng minh, biện luận được tính mới, tính sáng tạo cả về luận cứ, lý thuyết lẫn thực nghiệm, đánh giá giải pháp đề xuất giải quyết bài toán nghiên cứu đã được lựa chọn trong HTTT.
4. Chuẩn đầu ra về kỹ năng
PLO 5: Phân tích sáng tạo và phản biện, đánh giá và tổng hợp các ý tưởng mới và phức tạp về HTTT trong bối cảnh thay đổi nhanh công nghệ và tổ chức xã hội.
PLO 6: Tự chủ trong hình thành, thiết kế, tùy chỉnh và thực hành các nghiên cứu quan trọng về HTTT.
PLO 7: Làm chủ các phương pháp nghiên cứu khoa học (định tính, định lượng, thiết kế khoa học, khoa học dữ liệu và kết hợp) trong nghiên cứu về HTTT.
PLO 8: Đóng góp mở rộng tri thức thông qua phát triển lượng đáng kể các nghiên cứu mới, được công nhận tính mới, tính sáng tạo thông qua các công bố khoa học tại các hội nghị và/hoặc tạp chí khoa học chuyên ngành quốc tế có uy tín.
PLO 9: Phát triển năng lực giao tiếp với đồng nghiệp và cộng đồng học thuật cũng như xã hội nói chung, ở cấp độ quốc gia và quốc tế liên quan đến HTTT. Sử dụng thành thạo tiếng Anh trong nghiên cứu và trao đổi học thuật về HTTT.
5. Chuẩn đầu ra về mức tự chủ và trách nhiệm
PLO 10: Thượng tôn mức học thuật theo thông lệ về chất lượng, tính nghiêm ngặt và tính toàn vẹn mọi hoạt động nghiên cứu.
PLO 11: Thúc đẩy các tiến bộ văn hóa, kinh tế, xã hội và công nghệ cả về học thuật lẫn về nghề nghiệp như một chuyên gia về HTTT.
6. Vị trí việc làm mà người học có thể đảm nhiệm sau khi tốt nghiệp
Tiến sĩ HTTT tốt nghiệp trường ĐHCN có thể đảm đương các vị trí sau trong các tổ chức:
- Tổ chức nghiên cứu: Nghiên cứu sau Tiến sĩ (PostDoc); Thành viên nhóm nghiên cứu tiên tiến; Trưởng nhóm nghiên cứu; Lãnh đạo nhóm nghiên cứu; Lãnh đạo tổ chức;
- Doanh nghiệp: Thành viên R&D chủ chốt; Lãnh đạo dự án đổi mới; Lãnh đạo nhóm R&D; Giám đốc R&D; Sáng lập viên doanh nghiệp công nghệ cao; Tư vấn cao cấp doanh nghiệp;
- Tổ chức giáo dục: Trợ lý giáo sư; Phó Giáo sư; Giáo sư; Lãnh đạo nhóm nghiên cứu.
- Cơ quan nhà nước: Chuyên viên cao cấp; cán bộ quản lý khoa học/công nghệ; lãnh đạo quản lý.
7. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp
- Chỉ trì, tham gia thực hiện chính các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tầm quốc gia và quốc tế.
- Trở thành giảng viên, nghiên cứu viên cao cấp tại các cơ sở đào tạo và nghiên cứu.
- Tiếp tục hoạt động nghiên cứu để trở thành Giáo sư tại các trường Đại học trong/ngoài nước.
B. Ma trận chuẩn đầu ra