
Trường ĐH Công nghệ đẩy mạnh chiến lược để thu hút người học công nghệ thông tin – truyền thông
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 1002/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2035 và định hướng tới năm 2045. Một trong những mục tiêu của đề án đặt ra đến năm 2030 là “số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông đạt 80 nghìn người/năm trong đó ít nhất 10% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ”.
Đẩy mạnh thực hiện chiến lược thu hút sinh viên các ngành công nghệ thông tin và truyền thông
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông (ICT) luôn là thế mạnh xuyên suốt lịch sử phát triển của nhà trường.
Ngay từ những ngày đầu thành lập, triết lý phát triển của nhà trường đã được xây dựng trên nền tảng tích hợp giữa công nghệ thông tin, điện tử và truyền thông. Điều này lý giải vì sao các ngành đào tạo liên quan đến ICT luôn là mũi nhọn của trường và có sức hút lớn.
Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang thực hiện nhiều nội dung đẩy mạnh chiến lược thu hút và đào tạo sinh viên theo học khối ngành công nghệ thông tin – truyền thông.
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội
“Trong năm 2025, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 4.020 sinh viên, với một tỷ lệ rất lớn – trên 50%, tức là hơn 2.000 sinh viên sẽ theo học các lĩnh vực liên quan đến ICT. Các chương trình đào tạo về ICT của nhà trường luôn có sức hút lớn, thể hiện qua điểm đầu vào cao và chất lượng đầu ra sinh viên vượt trội, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường lao động.
Để tiếp tục khẳng định vị thế trong đào tạo chất lượng cao và bồi dưỡng tài năng, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tập trung củng cố cơ sở vật chất và hạ tầng. Nhiều gói đầu tư lớn về trang thiết bị và phòng thí nghiệm trong lĩnh vực này đã và đang được triển khai.
Điển hình, trong năm nay, trường sẽ được đầu tư một phòng thí nghiệm về Trí tuệ nhân tạo (AI) với các máy chủ hiện đại, cùng một gói kinh phí gần 100 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị cho ngành Robotics. Song song đó, nhà trường sẽ tiến hành xây dựng lại toàn bộ các khung chương trình đào tạo theo hướng cập nhật, hiện đại hơn, phù hợp với sự phát triển của thời đại, đặc biệt là gắn chặt với công nghệ kỹ thuật và trí tuệ nhân tạo.
Về mặt quản trị, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đang triển khai hệ thống quản trị đơn vị toàn diện trên nền tảng số, xây dựng một môi trường quản trị đại học số hiệu quả”, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình cho hay.
Một giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội
Cập nhật chương trình đào tạo, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình, bên cạnh các chiến lược tuyển sinh, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội còn đặc biệt chú trọng nuôi dưỡng và duy trì hứng thú cho sinh viên trong suốt quá trình học tập thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học.
“Nghiên cứu khoa học không chỉ là một yêu cầu bắt buộc đối với mỗi sinh viên mà còn là triết lý được nhà trường thường xuyên nhấn mạnh: sinh viên Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội không có giới hạn trong học tập.
Việc chỉ học giỏi các môn được thiết kế là chưa đủ; sinh viên cần áp dụng kiến thức để tham gia nghiên cứu, khám phá thế mạnh bản thân, tổng hợp kiến thức và kỹ năng để biến thành các sản phẩm khoa học phục vụ xã hội.
Chính những trải nghiệm này cho phép sinh viên học hỏi và vượt xa các yêu cầu tối thiểu, minh chứng cho triết lý “học tập không có trần” tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội”, thầy Trình nhấn mạnh.
(Trích nguồn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam)