
GS.TS Chử Đức Trình: Đề xuất thành lập Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp là bước đi cần thiết
Từ thực tế đào tạo và tuyển sinh còn thiếu gắn kết với nhu cầu nhân lực, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đề xuất thành lập Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp nhằm tăng cường kết nối giữa nhà trường và đơn vị sử dụng lao động. Đề xuất này được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong việc thiết lập mối liên kết bền chặt, hiệu quả hơn giữa cơ sở giáo dục đại học và thị trường lao động.
Hợp tác 3 nhà: Nhà nước – Nhà trường – Doanh nghiệp là bước đi cần thiết và cấp bách
Bàn về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận: “Đề xuất thành lập Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp là bước đi cần thiết nên được triển khai một cách bài bản, hiệu quả và có chiều sâu. Nguồn nhân lực do các cơ sở giáo dục đại học đào tạo là lực lượng lao động đầu vào của doanh nghiệp. Do vậy, chất lượng đào tạo của nhà trường ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của khối doanh nghiệp.
Nếu hội đồng cấp quốc gia có thể đóng vai trò cầu nối, giúp doanh nghiệp cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về nhu cầu lao động và phản hồi trực tiếp đến các cơ sở đào tạo, chương trình giảng dạy sẽ được điều chỉnh sát với thực tiễn, từ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thị trường lao động”.
Người đứng đầu hội đồng phải có năng lực kết nối và khả năng điều phối giữa các bên
Trong bối cảnh thị trường lao động liên tục biến động, khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng nhân lực còn khá lớn, việc thành lập Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp có thể xem như một giải pháp căn cơ, mang tính chiến lược lâu dài.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình, thành lập Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp có thể giải quyết được một số vướng mắc hiện nay, cụ thể:
Thứ nhất, hiện nay chưa có hệ thống dự báo đầy đủ, tin cậy về nhu cầu nhân lực ngắn hạn, trung hạn và dài hạn từ phía doanh nghiệp. Trong đó, nhu cầu ngắn hạn phản ánh các yêu cầu tuyển dụng tức thời, có thể đáp ứng thông qua các khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng ngắn hạn. Tuy nhiên, với các chương trình đào tạo đại học kéo dài từ 4–5 năm, việc dự báo chính xác nhu cầu trung và dài hạn thực sự quan trọng, giúp định hướng ngành học và nghề nghiệp cho học sinh ngay từ bậc phổ thông.
Thực tế cho thấy, công tác dự báo và cung cấp thông tin về thị trường lao động còn thiếu và yếu, khiến hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh phổ thông chưa gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nhân lực quốc gia. Nếu hội đồng có cơ chế đủ mạnh để giải quyết bài toán này thì đây sẽ là bước tiến nhằm cải thiện sự liên thông giữa đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực.
Thứ hai, hội đồng cần có khả năng dự báo cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Việc này nhằm xây dựng các bộ tiêu chuẩn chung về kỹ năng và năng lực, đồng thời gắn kết chặt chẽ với chuẩn đầu ra của các cơ sở đào tạo, bao gồm cả các cơ sở giáo dục đại học và cao đẳng.
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội
Chỉ khi chất lượng đầu ra của người học đáp ứng được yêu cầu lâu dài của doanh nghiệp, mối liên kết giữa đào tạo và sử dụng lao động mới thực sự bền vững. Đây là một trong những vấn đề cốt lõi mà hội đồng cần tập trung giải quyết.
Trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần công khai, minh bạch và nhất quán về chuẩn đầu vào của đơn vị tuyển dụng. Những tiêu chí này cần được thống nhất thành một hệ thống tiêu chuẩn chung áp dụng trên toàn quốc, thay vì mỗi doanh nghiệp tự xây dựng theo một cách riêng.
Thứ ba, tình trạng đội ngũ lao động có chuyên môn kỹ thuật thường xuyên nhảy việc khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bị động trong tổ chức sản xuất và duy trì chất lượng sản phẩm. Mặc dù, mỗi lần chuyển việc, mức lương của người lao động được nâng lên, nhưng không đồng nghĩa với kỹ năng hay chuyên môn được cải thiện tương xứng.
Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp trong duy trì, phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao cũng như gánh thêm chi phí về tuyển dụng, đào tạo. Về lâu dài, tình trạng này sẽ tạo ra sự mất cân đối trên thị trường lao động, khi thu nhập không phản ánh đúng năng lực thực tế.
Vì vậy, Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp có thể xây dựng hệ thống thông tin minh bạch về nguồn nhân lực, tiêu chuẩn nghề nghiệp và nhu cầu tuyển dụng. Việc này vừa giúp người lao động định hình rõ lộ trình nghề nghiệp, giảm tình trạng nhảy việc thiếu định hướng, vừa góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội trong chuyến tham quan, trải nghiệm thực tế tại Công ty TOTO Việt Nam
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình cũng cho rằng, Hội đồng cấp quốc gia về đại học – doanh nghiệp chỉ có thể phát huy hiệu quả khi có sức ảnh hưởng sâu rộng đến toàn bộ hệ thống giáo dục và cộng đồng doanh nghiệp. Nếu phạm vi tác động giới hạn trong một nhóm nhỏ, các chính sách đưa ra sẽ khó tạo được sự chuyển biến mang tính hệ thống, thiếu tính lan tỏa và bền vững.
Vì vậy, người đứng đầu hội đồng cần phải là một đại diện có uy tín và năng lực kết nối, điều phối giữa các bên. Đặc biệt, phải có tầm ảnh hưởng với Nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học và cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn lớn.
Về thành viên tham gia hội đồng, đại diện các trường đại học phải phản ánh được tiếng nói chung của toàn hệ thống giáo dục, không chỉ bảo vệ lợi ích của từng cơ sở mà cần góp phần định hình chính sách phát triển nguồn nhân lực một cách đồng bộ và dài hạn.
Tương tự, các doanh nghiệp tham gia hội đồng cũng cần mang tính đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ khi các bên cùng đặt lợi ích chung lên hàng đầu, hội đồng mới có thể đưa ra những chính sách phù hợp, cân bằng và có tính khả thi cao trong thực tiễn.
“Bên cạnh trình độ chuyên môn, những người tham gia hội đồng phải có tinh thần sẵn sàng sẻ chia vì mục tiêu phát triển bền vững. Muốn đóng góp cho hệ thống chung, phải gác lại lợi ích riêng, thậm chí chấp nhận thiệt thòi trước mắt để hướng tới giá trị lâu dài. Tham gia hội đồng không đơn thuần là góp mặt, mà phải cam kết về tầm nhìn, về thời gian và cả tâm huyết để cùng kiến tạo một hệ sinh thái đào tạo, tuyển dụng vận hành hiệu quả trong 10, 15 năm tới hoặc xa hơn”, thầy Trình nhấn mạnh.
(Trích nguồn Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam)