Đỗ Đức Mạnh – Thủ khoa tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Robot UET và hành trình chinh phục tri thức, khẳng định bản thân

Đỗ Đức Mạnh – Thủ khoa tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Robot UET và hành trình chinh phục tri thức, khẳng định bản thân

Với tinh thần học hỏi không ngừng và niềm đam mê nghiên cứu, Đỗ Đức Mạnh – thủ khoa tốt nghiệp ngành Kỹ thuật robot, khóa QH-2020, Khoa Điện tử viễn thông, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-UET) đã chứng minh năng lực qua việc ứng dụng những kiến thức và kỹ năng tích lũy được trong quá trình học tập vào thực tiễn. Trong vai trò là cộng tác viên kỹ sư phần mềm tại Công ty Cổ phần Kỹ thuật Temas, Đức Mạnh không chỉ giải quyết thành công các bài toán kỹ thuật, mà còn để lại dấu ấn sáng tạo trong việc áp dụng công nghệ, khẳng định bản lĩnh của một thế hệ kỹ sư trẻ đầy triển vọng.

Sinh viên Đỗ Đức Mạnh (đứng thứ 6, bên phải ảnh) cùng các bạn lớp K65R sau buổi bảo vệ đồ án/khóa luận tốt nghiệp

UET – Môi trường đào tạo kỹ sư chú trọng giải quyết các bài toán thực tiễn

Sau 4,5 năm học tập và nghiên cứu tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN, tân thủ khoa Đỗ Đức Mạnh khẳng định rằng, những giá trị lớn nhất mà ngôi trường mang lại chính là sự trưởng thành, tự tin và năng động. Ngay từ hè năm thứ 3 đại học, Đức Mạnh đã có cơ hội  thực tập tại Công ty Cổ phần Kỹ thuật Temas thông qua sự kết nối từ giảng viên Bộ môn Kỹ thuật robot. Ba tháng trải nghiệm thực tế tại Công ty không chỉ giúp Mạnh áp dụng kiến thức vào thực tiễn, mà còn mở ra cơ hội cộng tác lâu dài với công ty trong vai trò kỹ sư phần mềm.

Chương trình đào tạo Kỹ thuật robot tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN cung cấp cho em nền tảng kiến thức đa dạng, từ tay máy robot, xe tự hành, trí tuệ nhân tạo, xử lý ảnh, robot hình người, tương tác người-robot, đa robot, PLC,… Những kiến thức này là cơ sở để em xử lý hiệu quả các bài toán thực tiễn trong công việc tại Công ty Cổ phần Kỹ thuật Temas. Sau 3 tháng thực tập, phía công ty và bản thân em đều muốn tiếp tục làm việc với thời gian linh động, vì vậy cho đến nay em đã gắn bó với công ty trong vai trò cộng tác viên kỹ sư phần mềm. Không chỉ vậy, UET còn tạo nên môi trường rèn luyện các kỹ năng mềm cho sinh viên như kỹ năng thuyết trình và viết báo cáo khoa học, điều nay giúp em tự  tin trình bày các ý tưởng mới với đội ngũ công ty” – Đức Mạnh chia sẻ về những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được dưới mái trường Công nghệ, để từ đó tự tin phát triển bản thân trong quá trình làm việc.

Sinh viên Đỗ Đức Mạnh tại buổi lễ bảo vệ đồ án/ khóa luận tốt nghiệp

Hồi tưởng lại chặng đường học đại học, Đỗ Đức Mạnh thừa nhận rằng ban đầu chọn Khoa Điện tử viễn thông, Trường Đại học Công nghệ vì chất lượng đào tạo. Đến năm thứ hai, nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của của ngành Kỹ thuật Robot – một lĩnh vực “hot” thời điểm đó, Đức Mạnh đã quyết định theo đuổi lĩnh vực này.

Buổi giới thiệu tổng quan của thầy Nguyễn Cảnh Thanh về các hướng nghiên cứu trong ngành Kỹ thuật Robot đã trở thành một cột mốc quan trọng trong hành trình học tập và phát triển của Đỗ Đức Mạnh. Thông qua những chia sẻ sâu sắc, thầy đã giúp Đức Mạnh hình dung rõ ràng hơn về triển vọng phát triển của ngành học cũng như những kiến thức chuyên sâu cần trang bị để thành công trong lĩnh vực này. “Đối với em, thầy Nguyễn Cảnh Thanh là người thầy “đưa chân” em bước vào nghiên cứu khoa học trong buổi giới thiệu tổng quan về ngành học, các hướng nghiên cứu hiện tại của ngành và cả những kiến thức chuyên môn cần phải có trong tương lai”. Nhờ đó Đức Mạnh đã xác định được mục tiêu cụ thể và hướng đi rõ ràng cho bản thân. “Chương trình đào tạo chất lượng, hiện đại và cập nhật xu hướng hiện nay đối với các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, robot hình người hay những lĩnh vực cần thiết trong công nghiệp như tự động hóa, thị giác máy, cùng sự quan tâm, thấu hiểu của các giảng viên Khoa Điện tử viễn thông giúp em có thêm động lực tham gia nghiên cứu khoa học từ năm thứ hai đại học” – Mạnh chia sẻ.

Bên cạnh đó, Đức Mạnh còn ấn tượng với các hoạt động thể thao thường niên mà Nhà trường tổ chức để giúp sinh viên kết nối, phát triển toàn diện cả về thể chất, tinh thần. “Điều khiến em yêu thích mái nhà thứ hai này là nhiều giải thể thao được tổ chức hàng năm như bóng đá, bóng chuyền. Các hoạt động đó đã giúp mỗi thành viên trong lớp tham gia và gắn kết với nhau nhiều hơn, đồng thời cũng tăng cường tình đoàn kết giữa các lớp, các khoa giúp sinh viên có thêm nhiều kỷ niệm đáng nhớ khi đang học tập tại trường” – Mạnh cho biết.

Các hoạt động thể thao kết nối tinh thần đoàn kết giữa các lớp của Khoa Điện tử viễn thông

Những trải nghiệm thực tiễn, sự định hướng từ thầy cô và môi trường học tập sôi động đã trở thành hành trang quý báu để Đỗ Đức Mạnh tự tin bước tiếp trên hành trình khẳng định bản thân, chinh phục những thành công.

Tạo sự “khác biệt” để bứt phá và khẳng định bản thân

Với sự nỗ lực không ngừng và quyết định theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học, thủ khoa Đỗ Đức Mạnh đã “gặt hái” được nhiều thành tựu ấn tượng. Trong đó nổi bật là việc có 01 bài báo công bố trên tạp chí hội nghị quốc tế và 01 bài báo đăng trên tạp chí hội nghị quốc gia, cùng giải Ba tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Khoa năm 2024. Tuy nhiên hành trình đến với những thành công ấy không hề dễ dàng.

Những ngày đầu chạm ngõ nghiên cứu khoa học, Đức Mạnh cũng gặp không ít bỡ ngỡ, giống như nhiều sinh viên khác, khi chưa rõ hướng đi phù hợp hay cách biến ý tưởng thành sản phẩm nghiên cứu thực tiễn. Thậm chí, ngay cả khi xác định được đề tài, Mạnh vẫn đối mặt với những khó khăn lớn trong quá trình thực hiện, có lúc mất nhiều thời gian mà không thu được kết quả khả quan, nhưng nhờ sự động viên của thầy cô, anh chị khóa trên và bạn bè, Đức Mạnh đã vượt qua được những trở ngại.

Đức Mạnh tâm sự, chính niềm tin vào giá trị của sự thử thách đã giúp bản thân giữ vững tinh thần “nếu việc dễ sẽ không đến lượt mình làm, cho nên việc khó khăn đạt được mới thực sự có ý nghĩa”.

Chia sẻ về những kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học, Đức Mạnh cho rằng, để có được bài báo nghiên cứu chất lượng, hai yếu tố chính là giảng viên hướng dẫn và tinh thần tự học, tự nghiên cứu của bản thân sinh viên. Bởi giảng viên hướng dẫn không chỉ đóng vai trò gợi mở định hướng nghiên cứu và phương pháp thực hiện mà con đưa ra những nhận xét quan trọng để hoàn thiện bản thảo bài báo. Trong khi đó sinh viên cần có tinh thần chủ động, liên tục tìm tòi, học hỏi và thực hiện bài toán nghiên cứu của mình.

Và một trong những kinh nghiệm Đức Mạnh sử dụng để trình bày bài báo khoa học tốt, đó là việc đọc các bài báo được đăng tại các hội nghị uy tín, được nhiều bài báo trích dẫn, sau đó rút ra cách trình bày cô đọng, giúp người đọc hiểu bài toán nghiên cứu của bản thân. Theo Đức Mạnh, một bài báo tốt cần có cấu trúc rõ ràng với các phần: tóm tắt ngắn gọn tổng quan vấn đề; giới thiệu bài toán cùng những vấn đề cần giải quyết; khảo sát và đánh giá các phương pháp hiện có; đề xuất phương pháp nghiên cứu; kết quả đo lường theo tiêu chuẩn chung; kết luận bài báo.

Hành trình nghiên cứu khoa học của Đức Mạnh không chỉ là con đường theo đuổi tri thức mà còn là quá trình khẳng định bản thân, vượt qua những  giới hạn để chinh phục những mục tiêu lớn lao hơn trong tương lai.

Thủ khoa tốt nghiệp Đỗ Đức Mạnh cùng các giảng viên Bộ môn Kỹ thuật Robot tham dự hội nghị REV-ECIT 2022

Trước đây, Mạnh mơ ước trở thành một kỹ sư phần mềm của một công ty sản xuất robot tại Việt Nam, nhưng niềm đam mê nghiên cứu đã thôi thức tân thủ khoa tốt nghiệp hướng đến mục tiêu lớn hơn, trở thành một giảng viên để giảng dạy và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Để thực hiện ước mơ này, Đức Mạnh dự định tiếp tục học tập và thử thách bản thân trong môi trường mới, nâng cao kiến thức chuyên môn và kỹ năng.

Thành công của Đỗ Đức Mạnh không chỉ đến từ sự nỗ lực cá nhân mà còn nhờ vào môi trường học tập giàu tính thực tiễn tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN. Với chương trình đào tạo hiện đại, cập nhật xu hướng và sự đồng hành tận tâm từ đội ngũ giảng viên, UET đã và đang tạo điều kiện tối ưu để sinh viên ứng dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế. Nhờ đó, sinh viên có thêm nhiều cơ hội việc làm, phát triển bản thân trong thời đại công nghệ 4.0.

– Các thành tích học tập, nghiên cứu khoa học:

+ “Sinh viên Giỏi” và “Sinh viên Xuất sắc” tất cả các năm học và toàn khóa học.

– Học bổng: Học bổng khuyến khích học tập các học kỳ II, III,V, VI.

– Nghiên cứu khoa học: Có 01 bài báo đăng trên tạp chí Hội nghị quốc gia và 01 bài báo đăng trên tạp chí Hội thảo quốc tế;  Giải Ba Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Khoa năm 2024.

– Tên đề tài khóa luận tốt nghiệp: “Nghiên cứu lựa chọn chiến lược tối ưu di chuyẻn cho máy bay không người lái trong bài toán tự động khám phá và lập bản đồ. Điểm số: 9,4 /10.

Công việc hiện nay: Cộng tác viên kỹ sư phần mềm tại phòng R&D, Công ty Cổ phần Kỹ thuật Temas.

(UET-News)

Bài viết báo chí: 

VnExpress: Nam sinh chuyên Hóa tốt nghiệp thủ khoa ngành Kỹ thuật robot