Start
End
Bùi Viết Thanh Tùng – tân cử nhân ngành Vật lý kỹ thuật khóa QH-2021, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN (VNU-UET) không chỉ tốt nghiệp sớm mà còn xuất sắc vượt qua vòng phỏng vấn với các giáo sư tại University of South Florida (USF) – Mỹ để giành được học bổng Tiến sỹ.
Dám dấn thân, dám thử thách: Hành trình tốt nghiệp sớm để sẵn sàng vươn ra thế giới
Khi còn học trung học, trong một lần tìm cách đơn giản hóa một bài vật lý hóc búa, Bùi Viết Thanh Tùng tình cờ xem được bài giảng của Giáo sư Walter Lewin trên Youtube. Vị giáo sư danh tiếng từ MIT này không đơn thuần viết công thức lên bảng mà chính ông đã trở thành một phần của thí nghiệm, khiến những định luật vật lý tự mình “lên tiếng”. Chính khoảng khắc đó đã khơi dậy trong Tùng niềm đam mê tìm hiểu sâu về bản chất của vật lý – cách chúng xuất hiện trong từng hiện tượng, từng thiết bị xung quanh ta và quan trọng hơn cả, là cách vận dụng chúng vào giải quyết các vấn đề thực tế. “Nhờ sự thôi thúc ấy, em đã tìm hiểu về ngành Vật lý kỹ thuật, Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano của Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN. Những thành tựu của khoa, cùng những ứng dụng thực tiễn mà các thể hệ sinh viên đi trước đã tạo ra, ngay lập tức khiến em bị thu hút. Em hiểu rằng đây chính là môi trường mà mình muốn theo đuổi, nơi có thể chắp cánh những ước mơ của bản thân bay cao, bay xa” – Tùng cho biết lý do lựa chọn theo học ngành Vật lý kỹ thuật tại Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN.
Ngay từ những năm đầu đại học tại UET, Bùi Viết Thanh Tùng đã xác định bản thân sẽ tiếp tục học tập và nghiên cứu chuyên sâu sau khi tốt nghiệp. Dưới sự định hướng của các thầy cô, Tùng tìm hiểu về những cơ hội học bổng quốc tế, trong đó có những chương trình học bổng tiến sĩ tại Mỹ. Khi nhận thấy khả năng có thể theo học ở nước ngoài, Tùng quyết định cố gắng tốt nghiệp sớm. Tùng tâm sự: “Lựa chọn này đòi hỏi em phải gắng duy trì kỉ luật học tập, quản lý tốt thời gian và chủ động trong hoàn thành các nghiên cứu. Bằng mọi nỗ lực, em đã tận dụng quỹ thời gian tối đa của mình, trau dồi kiến thức và kỹ năng để nắm chắc cơ hội vươn ra thế giới”.
Nếu ai đó hỏi về điều khiến Tùng tự hào nhất, thì đó không chỉ là những thành tích đã đạt được mà còn là sự trưởng thành qua từng năm tháng, đặc biệt trong quá trình nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của PGS.TS Đỗ Thị Hương Giang, Phó Chủ nhiệm khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ Nano: “Cô không chỉ là một nhà khoa học xuất sắc mà còn là người thầy tận tâm, người đã truyền cho em động lực và cảm hứng để theo đuổi con đường nghiên cứu. Những bài học từ cô không chỉ gói gọn trong chuyên môn, mà còn là những triết lý sâu sắc về cuộc sống và cách nhìn nhận chính mình. Nhờ sự dẫn dắt ấy, mỗi năm trôi qua em đều cảm thấy bản thân tiến bộ hơn, không chỉ về kiến thức mà cả tư duy và cách tiếp cận vấn đề” – Tùng chia sẻ.
Bùi Viết Thanh Tùng nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Micro và Nano
Với sự nỗ lực và bứt phá trong quá trình học tập, rèn luyện. Bùi Viết Thanh Tùng không chỉ gặt hái được nhiều giải thưởng, danh hiệu như: Giải nhất Hội nghị sinh viên NCKH cấp Khoa, giải nhì Hội nghị sinh viên NCKH cấp trường, sinh viên 5 tốt cấp ĐHQGHN, Thành phố Hà Nội, nhiều giấy khen khi tham gia các hoạt động Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, nhận được nhiều học bổng, mà còn là một trong những cử nhân tốt nghiệp sớm trước một học kỳ của Trường Đại học Công nghệ. “Chặng đường phía trước còn rất dài, nhưng em tin rằng, với những nền tảng vững chắc được xây dựng từ UET, cùng sự hỗ trợ của những người thầy và tinh thần không ngừng học hỏi, em sẽ tiếp tục vươn xa hơn trên hành trình chinh phục tri thức và đóng góp cho cộng đồng” – Tùng vui mừng bày tỏ sau khi thực hiện được mục tiêu tốt nghiệp sớm mà mình đã đặt ra.
Tân cử nhân Bùi Viết Thanh Tùng chia sẻ niềm vui với gia đình tại Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp đợt 2 năm 2024
Từ giảng đường UET đến học bổng tiến sĩ tại Mỹ
Hành trình đến với học bổng học tiến sĩ tại Mỹ của Bùi Viết Thanh Tùng là minh chứng cho sự kiên trì, nỗ lực không ngừng của bản thân và sự hỗ trợ tận tâm của các thầy cô của Khoa và Nhà trường.
Với tâm thế chủ động và kế hoạch học tập rõ ràng, Thanh Tùng luôn chủ động tìm kiếm và khai thác các cơ hội học hỏi thông qua các báo cáo, kỷ yếu hội thảo và hội nghị quốc tế như IWAMD 2023, ISAMMA 2024, cũng như các buổi seminar có các giáo sư nước ngoài nổi tiếng. Qua đó, Thanh Tùng đã kết nối với các giảng viên có những hướng nghiên cứu mà bản thân đang theo đuổi. Tuy đã có sự chuẩn bị, nhưng yếu tố giúp Tùng “kết nối” với các giáo sư nước ngoài chặt chẽ hơn chính là sự hỗ trợ quý báu từ các thầy cô trong Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano, đặc biệt là PGS.TS Đỗ Thị Hương Giang, người đã tư vấn và định hướng cho Thanh Tùng trong suốt quá trình chuẩn bị hồ sơ xin học bổng. Chia sẻ về những lợi thế này, Tùng cho hay: “Các thầy cô đã tư vấn cho em về cách chọn lựa chương trình học phù hợp, các kỹ năng cần thiết để vượt qua phỏng vấn, cách viết một bài luận xuất sắc, và những chiến lược để gây ấn tượng với các giáo sư quốc tế. Những chia sẻ này đều được đúc rút từ kinh nghiệm thực tế của các thầy cô đã trải qua trong quá trình du học, vì vậy em cảm thấy tự tin hơn rất nhiều khi bước vào chặng đường dài phía trước”.
Quá trình chuẩn bị apply học bổng bao gồm việc chuẩn bị cẩn thận về trường, chương trình học và những yếu tố cần thiết để gây ấn tượng với các giáo sư. Bằng việc chủ động gửi email giới thiệu bản thân, trình bày nguyện vọng học tập, nghiên cứu, cùng với sự chuẩn bị kỹ càng về hồ sơ cá nhân và các dự án nghiên cứu đã thực hiện, Tùng đã vượt qua các cuộc phỏng vấn với thái độ tự tin, từ đó tạo ra ấn tượng sâu sắc với các giáo sư trường USF – Mỹ.
“Một trong những thử thách lớn nhất trong việc chuẩn bị hồ sơ chính là đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nghiêm ngặt để vượt qua vòng xét tuyển. Các trường đại học tại Mỹ thường có tiêu chí cao về trình độ tiếng Anh (như IELTS 7.0 trở lên) và yêu cầu các bài thi chuẩn hóa quốc tế như GRE hay GMAT. Khi đã tìm hiểu về những điều kiện, em đã tìm mọi phương pháp để ôn luyện hiệu quả, từ việc sử dụng các tài liệu miễn phí trên YouTube, tham gia các kỳ thi thử miễn phí, cho đến việc tham gia các cộng đồng ôn thi trên các nền tảng mạng xã hội, nhằm đủ điều kiện để có thể theo học tại USF” – Tùng chia sẻ cách mà bản thân vượt qua những yêu cầu khắt khe khi xét tuyển vào các đại học tại Mỹ.
Mọi cố gắng đều sẽ được đến đáp xứng đáng, và niềm vui của tân cử nhân Bùi Viết Thanh Tùng càng thêm trọn vẹn khi em đã vượt qua vòng phỏng vấn nhận học bổng tiến sĩ của các giáo sư trường University of South Florida – Mỹ, một trường đại học nổi tiếng tại quốc gia dẫn đầu về kỹ thuật và công nghệ trên toàn cầu. Điều này không chỉ mở ra cơ hội phát triển, mà còn tạo nền tảng vững chắc để em có thể đóng góp vào cộng đồng khoa học quốc tế.
Tân cử nhân Bùi Viết Thanh Tùng nhận học bổng Odon Vallet 2024
Sẵn sàng đóng góp cho đất nước trong kỷ nguyên công nghệ
Là sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ, và chuẩn bị đi học tiến sĩ tại Mỹ, Thanh Tùng luôn ý thức được trách nhiệm và những thế mạnh của bản thân, sẵn sàng cống hiến cho nước nhà trong bối cảnh đất nước đang thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành khoa học trọng điểm, đổi mới sáng tạo, và ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn. “Bản thân em cũng như các bạn trẻ hiện nay mang trong mình trách nhiệm và vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghệ cho quốc gia. Đặc biệt, chúng em có cơ hội đóng góp vào các lĩnh vực đầy tiềm năng như trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, các ngành STEM. Chính những cơ hội này đã mang lại cho chúng em niềm tự hào và vinh dự, khi có thể trở về sau những năm tháng học hỏi tại nước ngoài, mang theo những kiến thức, sáng tạo và nhiệt huyết để góp phần xây dựng một Việt Nam ngày càng thịnh vượng và hùng mạnh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” – Tùng chia sẻ.
Bên cạnh đó, tân cử nhân không quên nhắn gửi lời khuyên đến các bạn sinh viên đang và sẽ theo học ngành Vật lý Kỹ thuật và Công nghệ Nano của Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN: “Đừng bao giờ ngần ngại trước các thử thách mà con đường mình chọn sẽ gặp phải. Hãy giữ vững tinh thần cầu tiến và không ngừng học hỏi. Ngoài việc nắm vững lý thuyết, rèn luyện kỹ năng thực nghiệm là yếu tố không thể thiếu. Sáng tạo, kiên trì và khả năng vượt qua thất bại chính là chìa khóa giúp chúng ta tiến về phía trước, nhất là khi kết quả chưa như mong đợi. Hãy học hỏi từ những sai lầm, cải thiện chuyên môn từng ngày và luôn tin tưởng vào khả năng của mình. Đồng thời đừng quên trau dồi kỹ năng mềm, mở rộng kiến thức ngoài chuyên môn và xây dựng các mối quan hệ thầy cô, cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực”.
Ngoài học tập, tham gia các hoạt động Đoàn, Hội cũng được tân cử nhân Bùi Viết Thanh Tùng đánh giá là một cơ hội tuyệt vời để rèn luyện kỹ năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề và xây dựng mối quan hệ: “UET chính là môi trường giúp bạn phát triển toàn diện, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai, để cùng nhau góp phần vào sự phồn vinh của đất nước”.
Bùi Viết Thanh Tùng năng nổ tham gia các hoạt động Đoàn – Hội
Thành tích học tập, nghiên cứu khoa học:
– Giải Nhất tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano năm học 2022 – 2023 và 2023 – 2024
– Giải Nhì tại Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội năm học 2022 – 2023 và 2023 – 2024.
– Học bổng POSCO Asia Fellowships 2023, học bổng Vallet 2024, trao đổi học thuật tại Viện Khoa học và Công nghệ Daegu Gyeongbuk, Hàn Quốc.
Thành tích Đoàn – Hội:
– Bí thư Chi đoàn K66P – EP; Liên chi hội Phó Liên Chi hội Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano 2023 – 2024; Ủy viên Ban chấp hành Hội sinh viên Trường Đại học Công nghệ khóa VII.
– Tình nguyện viên các hoạt động như UET JOB FAIR 2022, Tiếp sức mùa thi 2023, Ngày hội nhập học K68…
– Danh hiệu “Sinh viên 5 Tốt” Trường Đại học Công nghệ năm học 2021 – 2022, 2022 – 2023, 2023 – 2024; cấp Đại học Quốc gia Hà Nội 2022 – 2023, 2023 – 2024; cấp Thành phố Hà Nội 2022 – 2023, 2023 – 2024.
– Giấy khen của Hội sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội vì “Đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên”.
(UET-News)