Lớp tiến trình đào tạo tích cực tại Viện Trí tuệ nhân tạo Trường Đại học Công nghệ: Hành trình bứt phá và khẳng định bản lĩnh sinh viên AI

Lớp tiến trình đào tạo tích cực tại Viện Trí tuệ nhân tạo Trường Đại học Công nghệ: Hành trình bứt phá và khẳng định bản lĩnh sinh viên AI

Ngành Trí tuệ Nhân tại (AI) thuộc Viện Trí tuệ nhân tạo, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội (UET-VNU) bắt đầu tuyển sinh từ năm 2022 với mục tiêu đào tạo thế hệ cử nhân AI tài năng, tiên phong trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI). Luôn đổi mới trong tư duy giáo dục, Viện Trí tuệ Nhân tạo đã triển khai mô hình tiến trình học tập tích cực, thiết kế dành riêng cho các sinh viên có năng lực vượt trội, giúp rút ngắn thời gian tốt nghiệp còn 3 – 3,5 năm mà vẫn đảm bảo chất lượng chuyên môn và chuẩn đầu ra.

Lớp học “tăng tốc” dành cho sinh viên bản lĩnh

Sau ba khóa tuyển sinh, quy mô đào tạo và chất lượng đầu vào ngành AI của Trường Đại học Công nghệ không ngừng được mở rộng và nâng cao. Năm 2022, khi lần đầu tiên tuyển sinh, ngành AI đã tuyển sinh 180 chỉ tiêu với điểm chuẩn 27,2. Sau đó, các năm 2023, 2024 điểm trúng tuyển vẫn duy trì ở mức cao. Đến năm 2025, chỉ tiêu tăng lên 300, cho thấy sức hút ngày càng mạnh mẽ của ngành học công nghệ mũi nhọn này.

Viện Trí tuệ Nhân tạo chào đón tân sinh viên

Xuất phát từ thực tế chất lượng đầu vào tốt và đặc thù của ngành AI đòi hỏi về tư duy logic và kỹ năng thực hành chuyên sâu, Viện AI đã tiên phong đề xuất và triển khai mô hình đào tạo tiên tiến với tiến trình đào tạo tích cực (gọi tắt là lớp tích cực). Đây được xem là bước đi đột phá nhằm nâng cao hiệu quả học tập và cá nhân hóa lộ trình phát triển cho sinh viên bản lĩnh, có năng lực vượt trội.

Khi xây dựng tiến trình đào tạo tích cực, những chuyên gia đầu ngành trong Hội đồng Khoa học và đào tạo của Viện AI kỳ vọng tiến trình học tập này sẽ giúp sinh viên tăng cường mức độ tập trung, nâng cao hiệu suất học tập và sớm phát triển chuyên môn. Tiến trình này không rút ngắn tổng thời gian học, mà được tổ chức linh hoạt, cho phép sinh viên chủ động tận dụng học kỳ hè để hoàn thành thêm học phần, đồng thời một số môn được thiết kế học trong 8 tuần thay vì 15 tuần như truyền thống.

Việc chia nhỏ thời gian theo môn học giúp sinh viên tăng mức độ tập trung vào một số môn học, giảm phân tán tư duy và nâng cao khả năng tiếp thu” – TS. Trần Quốc Long, Viện trưởng Viện AI nhấn mạnh.

TS. Trần Quốc Long, Viện trưởng Viện AI hướng dẫn sinh viên của Viện

Tốt nghiệp sớm – ưu thế từ lớp học tích cực của Viện AI

Sinh viên tham gia tiến trình đào tạo tích cực là tự nguyện và được kiểm tra đầu vào thông qua bài kiểm tra tư duy cùng buổi phỏng vấn định hướng giúp sinh viên hiểu rõ cần hoàn thành đầy đủ số tín chỉ của chương trình đào tạo trong vòng 3 – 3,5 năm. Viện AI sẽ đóng vai trò đồng hành toàn diện trong suốt hành trình học tập, nghiên cứu của sinh viên, từ cố vấn học tập, hỗ trợ xếp lớp linh hoạt, mở thêm học phần vào kỳ hè, đến đôn đốc hoàn thiện các điều kiện tốt nghiệp.

Tính đến thời điểm hiện tại, khóa đầu tiên của lớp tích cực ngành AI có 19 sinh viên tốt nghiệp sớm một năm. Trong đó có 6 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, còn lại loại giỏi. Ngoài nhóm này, năm nay Viện có khoảng 50 sinh viên ra trường sớm một kỳ. Số này chiếm 40% tổng số sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo cùng khóa đó. Đây là thành quả không chỉ của sinh viên mà còn của cả hệ thống hỗ trợ được thiết kế bài bản” – Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo nhận định.

TS. Trần Quốc Long cùng các giảng viên Viện chụp ảnh với 19 sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo tốt nghiệp sớm

Việc tốt nghiệp sớm không chỉ giúp sinh viên tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn tạo lợi thế cạnh tranh khi gia nhập thị trường lao động sớm hơn, đồng thời tích lũy kinh nghiệm thực tế khi các bạn cùng khóa vẫn đang trên ghế nhà trường. Vì vậy, lớp tích cực của Viện AI được xây dựng để giúp sinh viên nắm bắt được những lợi thế này.

Bên cạnh đó, mô hình học tập tích cực này còn khuyến khích sinh viên trở thành nòng cốt khi tham gia các hoạt động ngoại khóa như Hackathon, Bonding của Viện, hoạt động hợp tác doanh nghiệp và đặc biệt là các chương trình giao lưu, sử dụng tiếng Anh với sinh viên quốc tế là đối tác hợp tác của Viện. Điều này không chỉ giúp sinh viên rèn kỹ năng mềm, mà còn mở rộng tư duy toàn cầu và khả năng hội nhập quốc tế.

Sinh viên Đại học Công nghệ và Thiết kế Singapore (SUTD) giao lưu tại Viện Trí tuệ nhân tạo

Sinh viên Viện Trí tuệ nhân tạo tham gia cuộc thi IAI Hackathon 2024 do Viện tổ chức hàng năm

Trong quá trình triển khai mô hình này, Viện AI nhận được sự đồng thuận cao từ lãnh đạo Nhà trường, các phòng chức năng và tập thể giảng viên, với tinh thần sẵn sàng thử nghiệm những mô hình giáo dục tiên tiến. Chính môi trường học thuật năng động và hệ sinh thái hỗ trợ sinh viên đa dạng tại UET là nền tảng quan trọng giúp tiến trình đào tạo tích cực phát huy hiệu quả.

Theo TS. Trần Quốc Long – Viện trưởng Viện AI, sinh viên tham gia lớp học đặc biệt này cần chuẩn bị tinh thần bền bỉ, tư duy chủ động và sẵn sàng chấp nhận thử thách. “Sinh viên cần có tư duy chủ động, dám chấp nhận áp lực, đồng thời có khả năng tự quản lý thời gian và thiết kế lộ trình học tập hợp lý. Đặc biệt, cần xác định mục tiêu rõ ràng ngay từ năm đầu, hoàn thiện các điều kiện tốt nghiệp từ sớm”, Viện trưởng chia sẻ.

Ngoài ra, Viện AI cũng khuyến khích sinh viên chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ thầy cô, bạn bè, xây dựng thói quen giữ gìn sức khỏe và tinh thần tốt để học tập hiệu quả.

Mặc dù trong quá trình triển khai Viện cũng gặp những khó khăn nhất định về chương trình hay sĩ số duy trì lớp nhưng tiến trình đào tạo tích cực là môi trường lý tưởng cho những sinh viên có quyết tâm và mong muốn bứt phá sớm. UET tạo ra lựa chọn, sinh viên tự quyết định lộ trình, đó là tinh thần cá nhân hóa mà giáo dục hiện đại đang hướng tới” – TS. Trần Quốc Long nhấn mạnh.

Với mô hình đào tạo linh hoạt, chủ động và hướng đến hiệu quả thực tiễn, lớp học tích cực của Viện Trí tuệ Nhân tạo, Trường Đại học Công nghệ không chỉ là cơ hội để sinh viên rút ngắn lộ trình học, mà còn là môi trường lý tưởng để sinh viên khẳng định năng lực, phát triển toàn diện và sẵn sàng bước ra thế giới.

(UET-News)

Bài viết liên quan:

19 sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo tốt nghiệp sớm một năm

Thủ khoa tốt nghiệp Phạm Thị Kim Huệ – Nữ sinh ngành Trí tuệ nhân tạo và hành trình ba năm “chạm” tới ước mơ

Sinh viên Nguyễn Công Hiếu: Tốt nghiệp sớm ngành Trí tuệ nhân tạo tạo cơ hội để bứt phá