Tân thủ khoa ngành Cơ kỹ thuật: Môi trường UET  giúp sinh viên trưởng thành từ kiến thức đến kỹ năng

Tân thủ khoa ngành Cơ kỹ thuật: Môi trường UET giúp sinh viên trưởng thành từ kiến thức đến kỹ năng

Với “profile khủng” về  thành tích nghiên cứu và học tập với kết quả học tập xuất sắc đạt 3,83/4,0, Nguyễn Văn Duy – tân thủ khoa tốt nghiệp ngành Cơ kỹ thuật, Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa, Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN (VNU-UET) không chỉ để lại dấu ấn bởi thành tích học tập, nghiên cứu mà còn bởi sự năng động, nhiệt huyết, đạt được nhiều giải thưởng trong các hoạt động đoàn thể.

Những chia sẻ của tân thủ khoa tốt nghiệp Nguyễn Văn Duy đều là những trải nghiệm và sự trưởng thành sau quá trình học tập và nghiên cứu tại UET.

Sau quá trình học tập và nghiên cứu ngành Cơ Kỹ thuật tại Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN, bản thân em đã trưởng thành như thế nào trong kỹ năng và kiến thức chuyên môn?

Những ngày đầu khi bước chân vào trường đại học, những kiến thức về lĩnh vực Cơ kỹ thuật đối với em chỉ đơn giản là những thông tin trên mạng, rằng đây là một  lĩnh vực có tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội. Nhưng sau thời gian học tập và nghiên cứu, em nhận ra ngành Cơ kỹ thuật tại Trường Đại học Công nghệ là một chương trình đào tạo toàn diện, nơi lý thuyết và thực hành luôn luôn được kết hợp chặt chẽ.

Sinh viên không chỉ được giảng dạy bởi đội ngũ giảng viên tận tâm, có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm nghiên cứu quốc tế, mà còn được tiếp cận với các thiết bị, công nghệ hiện đại. Nhà trường luôn khuyến khích và tạo điều kiện để sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu liên ngành, giúp em hiểu rõ hơn về sự liên kết giữa các lĩnh vực và mở rộng tư duy sáng tạo. Chương trình đào tạo còn mang đến cho em cái nhìn toàn diện  về các vị trí nghề nghiệp, từ nghiên cứu, thiết kế đến quản lý và sản xuất…, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong tương lai.

Mỗi ngày trải nghiệm môi trường học tập tại Trường, là mỗi ngày em nhận ra bản thân trưởng thành và tích lũy thêm nhiều kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là sự kiên trì, nhẫn nại khi nghiên cứu khoa học. Em vẫn nhớ những đêm thức trắng cùng nhóm nghiên cứu hoàn thiện đề tài để kịp tham gia hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học. Dù gặp nhiều khó khăn về tính toán và thời gian, nhưng nhờ sự động viên từ giảng viên hướng dẫn, cùng tinh thần kiên trì làm việc không ngừng nghỉ  em không chỉ hoàn thành đề tài, mà còn giành được giải nhất tại hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường.

Đề tài Nghiên cứu dao động phi tuyến và tối ưu hóa tấm làm bằng vật liệu composite ba pha”  do sinh viên Nguyễn Văn Duy (thứ hai, bên phải ảnh) nghiên cứu đạt giải nhất hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường

Bên cạnh đó, những hoạt động đoàn thể cũng để lại trong em nhiều kỷ niệm đẹp. Em không thể quên những buổi chiều “anh em chiến hữu” trong lớp cùng tham gia các trận bóng đá, từ những thất bại của những mùa giải trước, đến khoảnh khắc lớp em giành được chức vô địch giải bóng đá Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa. Để có được kết quả này, cả lớp đã cố gắng luyện tập nhiều giờ đồng hồ ngoài sân bóng, đôi khi là sau giờ tan học ngồi lại với nhau để bàn chiến thuật. Đó không chỉ là niềm vui, mà còn là bài học về tinh thần đồng đội, sự nỗ lực và đoàn kết.

Tất cả những trải nghiệm em có được dưới mái trường UET không chỉ giúp em trưởng thành hơn về kỹ năng và kiến thức chuyên môn, mà còn rèn luyện bản thân trở nên bền bỉ và tự tin hơn để sẵn sàng vững bước trên hành trình phía trước.

Với nhiều thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học và học tập, em có “bí quyết” nào để cân bằng giữa việc học, nghiên cứu và tham gia các hoạt động đoàn thể?

Để có được sự cân bằng, hiệu quả trong học tập – nghiên cứu – tham gia các hoạt động đoàn thể, em luôn duy trì một lịch trình học tập khoa học và đều đặn mà vẫn đảm bảo sức khỏe để học tập, nghiên cứu đạt kết quả cao nhất. Trước mỗi kỳ thi hay dự án, em thường lập kế hoạch cụ thể và đặt mục tiêu rõ ràng. Em học cách quản lý thời gian hiệu quả hơn, dành nhiều thời gian tự học, tìm kiếm tài liệu từ các nguồn uy tín và không ngần ngại trao đổi với thầy cô, bạn bè. Mặc dù đã nhận được nhiều học bổng khuyến khích học tập, em vẫn luôn nỗ lực xây dựng “hồ sơ” cá nhân toàn diện, không chỉ nổi bật với các thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học, mà còn ở cả các hoạt động đoàn thể… Bởi em tin rằng, sự kết hợp giữa thành tích chuyên môn và các kỹ năng mềm sẽ tạo nên lợi thế cạnh tranh vượt trội hơn so với những sinh viên khác.

Điều em cảm thấy may mắn nhất là được học tập và nghiên cứu trong môi trường chất lượng, đặc biệt là sự hướng dẫn tận tình từ các thầy cô nhóm nghiên cứu “Vật liệu và kết cấu tiên tiến”. Ngay từ khi bắt  đầu tham gia, em đã được thầy cô  hướng dẫn, chỉ bảo từ cách trình bày báo cáo, xây dựng đề tài, cho đến các kỹ năng thực tiễn trong nghiên cứu khoa học. Nhờ đó em đã học cách trình bày bài báo khoa học rõ ràng, chi tiết, mạch lạc và có trọng tâm. Em luôn bắt đầu bài viết bằng cách giới thiệu vấn đề và tầm quan trọng của nghiên cứu, sau đó trình bày phương pháp, kết quả và kết luận. Các biểu đồ, hình minh họa phải được thiết kế trực quan và phù hợp với nội dung. Cuối cùng, em nhờ thầy cô hướng dẫn kiểm tra để đảm bảo nội dung bài viết đạt tiêu chuẩn cao nhất.

Dĩ nhiên, quá trình nghiên cứu không phải lúc nào cũng thuận lợi. Sau nhiều lần không thành công, em nhận ra rằng, thất bại là một phần của quá trình học tập và nghiên cứu, nên thay vì nản lòng, em luôn xem đó là cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Tinh thần kiên trì, cùng với sự hỗ trợ từ gia đình và sự động viên giúp đỡ từ bạn bè, các thầy cô đã giúp em vượt qua những giai đoạn thử thách và đạt được một số thành tựu nho nhỏ trong quãng thời gian là sinh viên như ngày hôm nay.

Đối với em, niềm đam mê nghiên cứu khoa học bắt đầu  và phát triển từ những yếu tố nào?

Trong những năm tháng miệt mài học tập tại Trường, hoạt động khiến em đam mê nhất chính là nghiên cứu khoa học. Trước khi bước vào cánh cửa đại học em chưa từng biết đến nghiên cứu khoa học, nó là gì và mình cần làm những gì là những câu hỏi em luôn đặt ra. Nhưng từ sau khi bước chân vào cánh cửa Trường ĐH Công nghệ – một môi trường với với thế mạnh rất lớn về nghiên cứu khoa học, em đã được tìm hiểu, tiếp xúc và đem lòng yêu thích nó.

Cột mốc quan trọng, đó là khi em tham gia giờ học của GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, thầy đã “truyền lửa” về những sản phẩm, công bố nghiên cứu khoa học của thầy được ứng dụng nhiều vào thực tiễn. Em cùng với một số bạn trong lớp đã hứng thú và bày tỏ nguyện vọng được tham gia nhóm nghiên cứu “Vật liệu và kết cấu tiên tiến”, điều khiến em ấn tượng nhất là thầy ngay lập tức tạo điều kiện và hướng dẫn chúng em nhiệt tình.

Thời gian đầu, việc  tiếp cận một lượng kiến thức mới và phức tạp gặp không ít khó khăn. Đồng thời em phải đối mặt với thách thức cân bằng giữa việc học tập và làm nghiên cứu. Đôi lúc em cảm thấy khó khăn, lạc lõng, thậm chí có bạn đã bỏ giữa chừng. Nhưng nhờ có sự tận tình giảng giải, hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm từ các thầy hướng dẫn, cùng với sự kiên trì và nỗ lực của bản thân, em dần hiểu hơn về công việc nghiên cứu và học hỏi được nhiều kỹ năng mới. Từ những trải nghiệm đó, em tích lũy thêm được phương pháp học tập và nghiên cứu hiệu quả, đồng thời nhận ra niềm đam mê nghiên cứu khoa học đã trở thành một phần không thể thiếu trong em từ lúc nào không hay.

Nghiên cứu khoa học không chỉ giúp em hiểu sâu hơn về các kiến thức em đã học trên lớp mà còn ứng dụng được chúng vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Đồng thời, nghiên cứu còn giúp em giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống và tạo ra những đề tài giá trị, mang lại cho em những giải thưởng quý giá nhất của thời sinh viên.

Trong thời gian tới, em có những dự định như thế nào trên con đường sự nghiệp cũng như hướng nghiên cứu trong tương lai?

Trước giờ em luôn ấp ủ trở thành một giảng viên đại học, một người am hiểu sâu về lĩnh vực chuyên ngành của mình, được phát triển và truyền tải những hiểu biết, kiến thức của mình với mọi người. Đó là động lực lớn để em không ngừng cố gắng học hỏi và trau dồi bản thân. Vì vậy, dự định trước mắt của em là tiếp tục tham gia nghiên cứu tại nhóm nghiên cứu “Vật liệu và kết cấu tiên tiến” tại Trường ĐH Công nghệ. Đây là môi trường lý tưởng để em bắt đầu với những hướng phát triển mới phù hợp nhu cầu xã hội. Xa hơn nữa, em muốn tiếp tục con đường học tập và nghiên cứu sau đại học để hoàn thiện bản thân, mở rộng tầm hiểu biết và đóng góp nhiều hơn vào lĩnh vực chuyên môn mà mình đang theo đuổi.

Nguyễn Văn Duy tại Lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp đợt 2 năm 2024

Chúc mừng tân thủ khoa Nguyễn Văn Duy với những thành tích ấn tượng và hành trình nỗ lực không ngừng. Hy vọng em sẽ tiếp tục tỏa sáng và gặt hái nhiều thành công hơn nữa trên hành trình mà bản thân lựa chọn.

Trường Đai học Công nghệ – ĐHQGHN với môi trường học tập, nghiên cứu năng động, sáng tạo, không ngừng đổi mới, luôn chú trọng thúc đẩy tư duy nghiên cứu, và khuyến khích phát triển toàn diện các kỹ năng mềm cho sinh viên, tạo nền tảng vững chắc giúp các thể hệ sinh viên phát huy tối đa tài năng, tự tin theo đuổi ước mơ của mình.

 – Các thành tích học tập, nghiên cứu khoa học

+ “Sinh viên Giỏi” và “Sinh viên Xuất sắc” tất cả các năm học và toàn khóa học.

– Học bổng: Học bổng khuyến khích học các học kỳ II, III, IV, V, VI và VII; học bổng Mitsubishi năm 2024.

Nghiên cứu khoa học: Đạt giải Nhất Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Khoa và giải Nhất Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Trường năm 2024; tác giả của 01 bài báo được đăng trên tạp chí Khoa học công nghệ trong nước và 01 bài báo được đăng trên tạp chí quốc tế.

Hoạt động đoàn thể: đạt giải Ba Giải bóng đá dành cho Tân sinh viên năm 2020 – 2021; Giải Ba Giải đá bóng Khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa các năm 2021-2022, 2023 – 2024, Vô địch giải đá bóng khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa 2022-2023.

– Tên đề tài khóa luận tốt nghiệp: “Dao động và tối ưu hóa tấm sandwich composite ba pha”. Điểm số: 9,6/10 điểm.

(UET-News)

Bài viết liên quan: 

Nghiên cứu dao động phi tuyến và tối ưu hóa tấm làm bằng vật liệu composite ba pha